I. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH
Trường Đại học Vinh thành lập năm 1959. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, từ một trường sư phạm, nhà trường đã không ngừng lớn mạnh để trở thành một trường đại học đa ngành, một trung tâm khoa học, giáo dục và chuyển giao công nghệ lớn của khu vực Bắc miền Trung và cả nước, vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; được Thủ tướng chính phủ đưa vào danh sách xây dựng trường trọng điểm Quốc gia tiến tới đạt chuẩn quốc tế.
Nhà trường đào tạo Lưu học sinh (LHS) Lào từ năm học 2003 - 2004. Sau 8 năm học, từ 34 LHS Lào ban đầu, đến nay nhà trường đã đào tạo gần 750 LHS, trong đó có 548 LHS Lào, 112 LHS Trung Quốc, 81 LHS Thái Lan. Trong đó có 222 LHS Lào hiện đang học tập tại Trường.
Trường Đại học Vinh nhận đào tạo mọi trình độ, mọi ngành mà Nhà trường đang đào tạo thông qua nhiều hình thức:
- Dạy và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho cán bộ và học sinh Lào chuẩn bị học đại học hoặc các trình độ khác;
- Đào tạo đại học hệ chính quy các ngành đại học sư phạm, cử nhân khoa, kỹ sư.
- Đào tạo sau đại học các chuyên ngành.
- Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ở các bậc học: bồi dưỡng giáo viên các môn học ở phổ thông; bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; trao đổi kinh nghiệm quản lý trường học.
- Tổ chức các hoạt động văn hoá thông qua hoạt động sinh viên tình nguyện.
 
II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ
LHS được Nhà trường quan tâm, tạo mọi điều kiện, được đối xử bình đẳng như nhau và như sinh viên Việt Nam.
1.      Về học tập
LHS được bố trí học chung với sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, khác với sinh viên Việt Nam, tại mỗi lớp tiếng Việt nhà trường đều bố trí 1 giáo viên chủ nhiệm phụ trách, hướng dẫn LHS tường tận về cách học, cách sinh hoạt và tổ chức mọi hoạt động tại Trường. Đối với LHS đang học đại học, tại mỗi khoa đều có 1 cán bộ quản lý sinh viên phụ trách. Hằng tuần theo dõi và báo cáo lên nhà trường về tình hình học tập, rèn luyện của LHS thông qua giao ban công tác học sinh, sinh viên. Mỗi khoa đều có "Sổ theo dõi công tác lưu học sinh" nhằm điểm danh, quản lý chặt chẽ nề nếp học tập, rèn luyện của LHS theo từng học kỳ, năm học.
Nhận thấy trở ngại lớn nhất đối với LHS là ngôn ngữ (tiếng Việt), nhà trường quán triệt các khoa thành lập mô hình sinh viên tình nguyện “Bạn giúp Bạn” - là hình thức tổ chức tình nguyện tại chỗ giúp đỡ LHS học tiếng Việt và các môn văn hóa. Trên cơ sở tự nguyện, nhà trường chọn cử các sinh viên có năng lực và nhiệt tình để kèm cặp LHS với phương châm “mỗi LHS có ít nhất 1 sinh viên Việt Nam kèm cặp, giúp đỡ”. Một số khoa còn tổ chức được các câu lạc bộ sinh hoạt có chiều sâu như câu lạc bộ “Hoa Chămpa" ở khoa Kinh tế. Câu lạc bộ chọn cử các sinh viên giỏi mỗi tuần 2 buổi tổ chức các lớp dạy bổ sung kiến thức cho LHS có nhu cầu được phụ đạo.
2.      Về sinh hoạt
Toàn bộ LHS được bố trí chỗ ở tại ký túc xá (KTX) với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, học tập như: bàn, ghế, tủ, ti vi, điều hoà nhiệt độ, bình tắm nóng lạnh. Hệ thống điện, nước máy được cung cấp đầy đủ, thường xuyên. Các phòng ở đều được kết nối mạng Internet tốc độ cao. Chế độ an ninh, vệ sinh, công tác phòng chống cháy nổ tại KTX luôn được đảm bảo.
LHS thực hiện nề nếp ăn, ở, sinh hoạt theo Nội quy nội trú. Được tham gia các hoạt động tự quản tại KTX dưới sự chỉ đạo của Trung tâm PVSV như: tự quản về nề nếp, giờ giấc, vệ sinh, an ninh...
Ngoài ra, LHS được khuyến khích tham gia các hoạt động cùng với sinh viên Việt Nam như các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, các cuộc thi văn nghệ, thể thao, các buổi tọa đàm, giao lưu văn hóa, các hoạt động tình nguyện, các hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là kỷ niệm các ngày lễ lớn của nhân dân các bộ tộc Lào như Tết Boun Pimay, ngày Quốc khánh 02/12...
3. Việc thực hiện các chế độ chính sách đối với LHS
- Việc giải quyết chế độ lưu học sinh theo hiệp định: Hiện nay, nhà trường có 03 lưu học sinh đã được hưởng học bổng hiệp định giữa hai chính phủ Lào và Việt Nam. 03 LHS mới đang làm thủ tục hưởng học bổng trên từ năm học 2011- 2012.
-  Chế độ học bổng và khen thưởng:
Hằng năm, nhà trường đều xét trao các học bổng, giấy khen và phần thường cho các LHS học tập, rèn luyện tốt, tham gia có hiệu quả các phong trào của nhà trường; các LHS có nhiều đóng góp trong việc xây dựng mối quan hệ Việt - Lào ngày càng phát triển .
Năm học 2010 - 2011, nhà trường đã xét trao học bổng khuyến khích học tập cho 22 LHS có nhiều đóng góp cho phong trào sinh viên với số tiền 30 triệu đồng,  phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Lào xét cấp 18 suất học bổng trị giá 9 triệu đồng, phối hợp với các doanh nghiệp xét tặng 30 suất học bổng tài trợ với số tiền 30 triệu đồng.
-  Những hỗ trợ khác của nhà trường đối với LHS:
+ Nhà trường đã xét miễn học phí toàn khóa cho 10 sinh viên là con Chánh, Phó các Sở Giáo dục tại Lào với tổng số tiền 20.000 USD; xét giảm học phí cho 02 LHS thuộc diện đào tạo nguồn cho Tỉnh đoàn Xiêng Khoảng với số tiền 2.000 USD.
+ LHS được nhà trường hỗ trợ mỗi tháng 3m3 nước và 6 KW điện cho mỗi phòng ở. Tiền điện, nước thu với mức giá ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên.
III. TÌNH HÌNH HỌC TẬP, RÈN LUYỆN CỦA LHS
LHS Lào hiện học tại hầu hết các ngành nhà trường đang đào tạo, trong đó tập trung chủ yếu thuộc các khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin, chính trị - luật, khoa học môi trường, du lịch và các ngành sư phạm.
 Với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ và sinh viên nhà trường, với sự nỗ lực của bản thân, phần lớn LHS đã vượt qua những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ và văn hóa để hòa nhập được việc học tập với sinh viên của trường, tiếp cận được với chương trình đào tạo tiên tiến hiện nay của nhà trường.
Thời gian qua, đã có 472 LHS được cấp chứng chỉ tiếng Việt, 02 LHS hoàn thành chương trình thạc sĩ, 67 LHS tốt nghiệp đại học trong đó có 10 LHS hiện đang theo học chương trình thạc sĩ tại Trường Đại học Vinh và các trường đại học khác. Trong đó, năm học 2010 - 2011, có 10 LHS nhập học tiếng Việt, 27 LHS nhập học đại học, 03 LHS nhập học sau đại học. Nhà trường xét tốt nghiệp đợt 1 năm 2011 cho 35 sinh viên khoá 48, đây là khoá LHS tốt nghiệp thứ 4 tại trường Đại học Vinh.
Đã có nhiều LHS tham gia và đạt giải “sinh viên nghiên cứu khoa học” (Toulovang Chongcher - 47 Nông học, Syamone Sosayasine - 47A Hóa), nhiều LHS đạt học bổng tài trợ nước ngoài (Bounkhong Shihanat, 45 Tin -  Học bổng Prudential). Nhiều LHS đã vươn lên đạt kết quả cao, nhiều LHS được tham gia vào các sân chơi trí tuệ như lập trình viên của VTC Online: Sisomphone Malavong (48B Tin), Tole Khantiphoutthavong (49K Tin)...
LHS Lào đã tham gia hầu hết các hoạt động của tuổi trẻ Nhà trường do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Trung tâm Phục vụ sinh viên tổ chức: thực hiện đồng phục khi đến trường, tham gia các cuộc thi tìm hiểu, các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hội thi như “Sinh viên thanh lịch”, “Giọng hát hay sinh viên đầu khoá”, “Hội diễn văn nghệ sinh viên nội trú”; tham gia các chương trình truyền hình (trực tiếp trên sóng NTV và Đài Truyền hình Quốc gia Lào) như “Thắm tình Lào Việt”, “Đượm tình khúc hát Lăm Vông”. Trong các hoạt động đó, LHS Lào luôn đem lại những màu sắc riêng, thể hiện nét độc đáo trong văn hoá của nhân dân các bộ tộc Lào, mặt khác cũng khẳng định tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, hai đất nước.
Về rèn luyện, phần lớn LHS chấp hành tốt quy định về rèn luyện của nhà trường, trong đó::
- Đạo đức, tư cách: tốt: 85%, TB 15%,
- Tinh thần đoàn kết nội bộ và quốc tế: tốt 95%, TB 5%
- Những hoạt động có sự đóng góp của LHS: tốt 90%, TB 10%
- Ý thức chấp hành nội quy: tốt 87%, TB 13%
- Ý thức chấp hành pháp luật: tốt 100%.
Tuy nhiên, trong năm học qua đã có 07 LHS bị xoá tên do nghỉ học quá thời gian quy định, 03 LHS thôi học về nước do không đủ khả năng tiếp tục học đại học. Hiện có 03 LHS tự ý nghỉ học đến nay chưa quay lại học tập, nhà trường đang làm thủ tục báo gia đình và phía gửi đào tạo để cùng phối hợp xử lý.
 
IV. MỘT SỐ HẠN CHẾ VÀ CÁC KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Những hạn chế và bất cập hiện nay
                - Trình độ đầu vào của LHS hiện không đồng đều; trình độ sử dụng tiếng Việt của nhiều LHS, đặc biệt trong giai đoạn đầu học đại học còn nhiều hạn chế.
                - Một bộ phận nhỏ LHS có tình trạng uống rượu bia, ngủ dậy muộn, chơi khuya, nghỉ học không có lý do chính đáng, tự ý bỏ học...
                - Các chế độ học bổng hiệp định, học bổng khuyến khích học tập dành cho LHS Lào tại Trường Đại học Vinh chưa nhiều.
 
2. Một số kiến nghị, đề xuất
                - Hai nhà nước cần tạo mọi điều kiện để sớm mở Phân hiệu Trường Đại học Vinh tại Lào, đặt tại tỉnh Xiêng Khoảng. Khi có phân hiệu, LHS sẽ được học tại đây 01 năm về tiếng Việt, văn hoá Việt, bổ trợ kiến thức phổ thông và các kiến thức liên quan đến ngành LHS sẽ đăng ký học đại học. Điều này đáp ứng được nhu cầu và khả năng của hấu hết gia đình LHS, phù hợp khả năng của Trường Đại học Vinh và giảm chi phí cho người học…
            - Bộ Giáo dục Lào nghiên cứu để đưa chương trình Tiếng Việt vào các bậc học phổ thông tại Lào, coi đây là một môn ngoại ngữ tự chọn của học sinh, đáp ứng nhu cầu rất lớn đối với những học sinh có nhu cầu du học tại Việt Nam.
                - Cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ sở giáo dục gửi LHS và Trường Đại học Vinh nhằm xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình đào tạo, quản lý LHS. Các bên cần cử đại diện để liên lạc khi cần thiết (qua email, điện thoại hoặc văn bản).