- Không những là một nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, I.Stalin còn là một người cha, một người biết cầu thị khi đã trực tiếp viết một bức thư bí mật cho thầy giáo của con trai mình, chỉ rõ khuyết điểm của con và mong thầy giáo giúp con tiến bộ. Bức thư được giữ kín suốt 53 năm, khi được công bố đã làm lay động những người làm bố, làm mẹ.
I.Stalin và hai con Vasily và Svetlana.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) chống phát xít Đức, Iosif Stalin - nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô đã cho 2 người con ruột và cậu con nuôi của mình ra mặt trận, trực tiếp chiến đấu chống lại quân thù.
Người con trai đầu Yakov Dzhugashvili (con trai với bà vợ đầu tiên - Ekaterina Svanidze) sinh năm 1907, đã chiến đấu trong lực lượng Pháo binh, rồi bị bắt làm tù binh trong một trận đánh gần thành phố Smolensk cửa ngõ phía tây của nước Nga. Theo nhiều tài liệu, Stalin đã từ chối đề nghị đổi con trai mình lấy Thống chế Đức Friedrich Paulus bị Hồng quân Liên Xô bắt sống tại trận Stalingrad. Năm 1943, Yakov bị mất trong trại tập trung của quân Đức. Người con trai thứ hai là Vasily Iosifpovich Stalin là một phi công chiến đấu, đã lập nhiều chiến công hiển hách. Người con nuôi của ông là Artyom Fedorovich Sergeyev đã trở thành một sĩ quan pháo binh, chiến đấu dũng cảm, bị bắt làm tù binh và sau đó mưu trí vượt ngục để trở về đội ngũ.
Cậu con trai “trái tính trái nết”
Vasily Iosifpovich Stalin là con trai của Stalin với người vợ thứ hai, bà Nadezhda Alliluyeva. Vasily sinh ngày 24/3/1921 tại bệnh viện Kremli, thủ đô Moskva. Vasily có một người em gái là Svetlana Alliluyeva (sinh năm 1926). Sau khi vợ mất(1932), Stalin chuyển các con từ điện Kremli về nhà nghỉ ở Zubalov và do bận bịu công việc của người đứng đầu nhà nước Liên Xô, mọi việc chăm sóc con cái ông đều nhờ vú nuôi và các nhân viên an ninh, đứng đầu là tướng Nikolai Vlasik đảm nhiệm.
Nhờ các tư liệu giải mật sau này, chúng ta biết thời kỳ đó, Stalin và các con trao đổi với nhau chủ yếu qua đường thư tín. Ngoại trừ những cuộc gặp ít ỏi, do quá bận, Stalin biết tin về các con chủ yếu qua các báo cáo của lực lượng an ninh.
Ngày 5/5/1937, Chính phủ Liên Xô quyết định thành lập các Trường thiếu sinh quân đặc biệt. Đầu vào của trường là các em học sinh lớp 8,9, 10 được tuyển chọn kỹ càng và theo học chương trình phổ thông trung học cùng các môn học chuyên ngành.
Mỗi lớp học có khoảng 25-30 em. Theo nhiều tài liệu, Artyom Fedorovich Sergeyev, con nuôi của Stalin cùng con trai thứ của Stalin là Vasily (cùng sinh năm 1921) đã nhập học trường Thiếu sinh quân pháo binh đặc biệt số 2, ở Krasnaya Presnya (Moskva). Trường có nhiệm vụ đào tạo các thiếu sinh quân trở thành các chính ủy tương lai trong lực lượng pháo binh
Vào nửa cuối thập niên 30, để con cái trưởng thành trong quân ngũ là mơ ước của hàng triệu gia đình Liên Xô. Ai cũng hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp con mình khỏe mạnh, sống có tổ chức, kỷ luật. Thời đó, trong dân gian đã lan truyền những câu ca: "Thông minh vào pháo binh, Bảnh bao vào kỵ binh, Lãng tử vào hải quân, Còn lại vào bộ binh”. Pháo binh, khi đó là số 1, như ở bên ta “nhất y, nhì dược” một thời.
Vasily Stalin, sau những cú sốc tinh thần (mẹ cậu là Nadezhda Alliluyeva tự tử năm 1932, khi cậu 11 tuổi) đã trở nên một con người khác. Cậu đã rời bỏ trường phổ thông số 175 dành cho con em lãnh đạo, xin vào trường Thiếu sinh quân. Ở ngôi trường này, được nuông chiều bởi là con trai của lãnh tụ tối cao, “ngựa quen đường cũ”, Vasily tiếp tục lười học và nghịch phá, bất tuân kỷ luật. Nhưng mọi thông tin về cậu con trai của mình, Stalin không biết, bởi các nhân viên an ninh và Ban giám hiệu nhà trường giữ kín như bưng.
Sau này, Vasily Stalin có viết lại về quãng đời đó của mình:
“Khi còn nhỏ, tôi đã không còn mẹ và không có điều kiện được bố kèm cặp, dạy bảo thường xuyên, tôi sống và lớn lên trong vòng bảo vệ của những người đàn ông là nhân viên an ninh, không được dạy bảo về luân lý và tính nhẫn nại.
Chính điều này đã để lại dấu ấn lên tính cách và quãng đời sau này của tôi”.
Một thầy giáo dạy môn Lịch sử của trường, sau khi chứng kiến “cậu ấm” của Stalin sa sút trầm trọng với sự nuông chiều vô lối của Ban giám hiệu, đã dũng cảm viết thư “tố cáo” với Stalin, một việc làm khá “tày trời” thời đó.
Đó là thầy giáo Vladimir Vasilevich Martyshkin.
Và một điều bất ngờ đã xảy ra: Dù bận trăm công nghìn việc, Stalin đã viết thư trả lời thầy giáo Martyshkin và yêu cầu được giữ kín nội dung.
Bức thư này tưởng như đã chìm sâu vào quên lãng.
Nhưng không. Báo “Giáo viên” (Uchitelskaya Gazeta) của Liên Xô, số 17 năm 1991 đã đăng bài báo của O.Martyshkin-con trai của thầy giáo Martyshkin cho biết gia đình ông vẫn giữ bức thư Stalin gửi ngày 8/6/1938 cho thầy giáo dạy môn lịch sử của con trai mình.
Vasily Stalin trên khoang lái máy bay Yak-9 trong thời kỳ chiến tranh.
Bức thư được yêu cầu giữ kín
O.Martyshin viết trong bài báo của mình:
“Bố tôi, Vladimir Vasilevich Martyshkin vào cuối thập niên 30 dạy môn lịch sử ở Trường (thiếu sinh quân pháo binh đặc biệt) số 2, và một trong những học trò của ông là Vasily Stalin. Bố tôi cho rằng cậu bé cũng có năng lực, nhưng cậu hay nghịch ngợm, thường tận dụng vị thế của mình để giải quyết các vấn đề trong trường. Cậu có thể im thin thít khi được hỏi, còn khi nhận điểm kém thường dọa là sẽ tự tử. Bố tôi không cho mình quyền đối xử với con trai Stalin khác với các học trò trong lớp, cho cậu điểm 2 vào cuối năm học. Tôi không rõ là Vasily có báo cho thầy Hiệu trưởng biết điều này hay là ông ấy tự biết do theo dõi. Ngay sau đó, Hiệu trưởng đã gọi bố tôi lên và yêu cầu ông tự tay sửa điểm, từ 2 thành 4 điểm (thang điểm học ở Liên Xô, điểm 5 là cao nhất-NV). Bố tôi thẳng thừng từ chối. Khi đó, trước mặt bố tôi, Hiệu trưởng đã cầm bút sửa điểm và ít lâu sau, bố tôi bị đuổi việc.
Khi đó, tìm được việc làm ở Moskva là điều không thể. Phải nuôi 2 con nhỏ, tình trạng của bố tôi khi đó cực kỳ tồi tệ. Không biết phải cầu cứu ai, ông liền quyết định viết thư cho Stalin.
Bức thư đó chúng tôi không được biết nội dung, hy vọng nó vẫn còn được lưu giữ đâu đó trong các kho lưu trữ. Tôi chỉ biết, trong thư, bố tôi kể hết về sự dối trá, sự quỵ lụy của mọi người trước Vasily trong trường học.
Mùa hè năm 1938, gia đình chúng tôi sống ở vùng Udelnaya dọc tuyến xe lửa Kazan. Một lần, có chiếc ô tô phóng đến. Hai người đàn ông bước xuống, vẻ quan trọng, nói họ muốn gặp thầy giáo Martyshkin. Mẹ tôi đáp ông đang vào thành phố, sắp về rồi và mời họ vào nhà ngồi đợi. Tuy nhiên, các vị khách từ chối và vào xe ngồi chờ. Có thể dễ hình dung là khi đó mẹ tôi lo lắng biết nhường nào trong suốt 2 tiếng chờ bố về. Tôi nghĩ, chắc mẹ đang lo bố sẽ bị bắt. Khi bố về, 2 người đàn ông mời luôn ông vào xe, chắc không muốn có ai nghe thấy nội dung cuộc nói chuyện. Nhưng thay vì chở ông đi mất tích, họ chuyển cho bố tôi bức thư của Stalin. Họ còn nói tác giả bức thư không muốn nội dung được công khai cho nhiều người biết.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, không còn ai chứng kiến sự việc này còn sống. Điều này cho phép tôi đã đến lúc công bố một tư liệu quý giá.
Bức thư của Stalin được ông viết tay, trên giấy chắc được xé ra từ một cuốn sổ cỡ vừa, khoảng một trang rưỡi. Còn đây là nội dung:
Gửi thầy giáo Martyshkin!
Tôi đã nhận được bức thư của thầy về những trò lố của cháu Vasily Stalin. Xin cảm ơn thầy đã gửi thư.
Sở dĩ tôi viết trả lời thầy muộn, là do công việc quá nhiều. Tôi xin lỗi thầy về điều đó.
Con trai tôi, Vasily là một thanh niên hư hỗn, có năng lực rất bình thường, là một đứa tự kỷ, thường nói dối, ưa dọa nạt những kẻ yếu, hay trơ tráo, với tư chất yếu đuối, nói đúng hơn, là vô tổ chức.
Chính những kẻ dung dưỡng, luôn tâm niệm đó là “con trai Stalin” đã làm hư cháu.
Tôi mừng, vì nhờ thầy mà tôi biết vẫn còn một giáo viên có lòng tự trọng, đối xử với cháu Vasily như với tất cả học trò khác, và yêu cầu đứa trò ngỗ ngược đó phải tuân theo quy chế chung của trường học.
Chính các hiệu trưởng, như thầy đã đề cập, là dạng người chẳng ra sao (nguyên văn: dạng giẻ rách-ND), đã làm hư cháu Vasily. Dạng người đó không xứng có mặt trong trường học, và nếu như cháu Vasily vẫn chưa kịp tự giết mình, là bởi ở đất nước chúng ta vẫn còn có những giáo viên không nỡ để cho đứa học trò “con ông cháu cha”, tính khí thất thường đó trượt dài thêm nữa.
Tôi có một lời yêu cầu: Đề nghị thầy cần nghiêm khắc hơn với Vasily và thầy đừng sợ bất cứ lời đe dọa “tự tử” nào của đứa học trò trái tính trái nết này.
Nếu làm vậy, thầy sẽ luôn được tôi ủng hộ.
Thật tiếc là chính tôi cũng không có điều kiện gần gũi với Vasily. Nhưng tôi hứa với thầy dần dần tôi sẽ đưa cháu vào khuôn khổ.
Xin chào thầy!
I.Stalin, ngày 8/6/1938
Điều kỳ diệu đã xảy ra. Nỗi sợ hãi và căng thẳng của bố mẹ tôi ngay lập tức được giải tỏa. Tất nhiên là bố mẹ tôi rất vui mừng vì sự công bằng đã được phục hồi, bằng một cách bất ngờ nhất.
Bố mẹ tôi không phải chờ lâu. Bố tôi ít lâu sau đã được nhận trở lại trường. Giữa ông và Vasily sau đó có quan hệ khá là tốt đẹp.
Bay lên, Vasily!
Đó cũng nhan đề của một bộ phim tài liệu về Vasily Stalin do kênh 1 của Nga sản xuất. Bộ phim nói về sự trưởng thành của người con trai thứ của Stalin, một thời đã từng là học sinh cá biệt.
Các tài liệu được giải mật sau này của Liên Xô cho biết, sau khi nhận được thư của Stalin, thầy giáo Martyshin còn viết thêm một bức thư khác nữa gửi nhà lãnh đạo đất nước (gửi sau ngày 5/7/1938). Qua nội dung, chúng ta có thể biết sau khi Stalin gửi thư vài ngày, thầy giáo Martyshin đã được nhận lại về trường. Bức thư có đoạn:
“Đã nhiều lần tôi nói với các đồng nghiệp là cần phải cho đồng chí biết sự thật về chuyện học hành của cháu Vasily, nhưng họ đáp “Nếu đồng chí Stalin biết, cũng chả có ích gì, nếu không còn nguy hiểm ấy chứ”, hoặc “Anh im đi. Sự im lặng tô điểm thêm cho tuổi trẻ của anh đấy”...
Xin lỗi đồng chí vì sự làm phiền, nhưng tôi không thể giấu đồng chí một quan sát của riêng tôi: Đó là Vasily luôn cảm thấy đau đớn, ân hận vì những điều đã làm phiền lòng người bố mà cháu yêu thương hết mực.
Có một lần, khi tâm sự với tôi, Vasily có nói là cháu sẵn sàng làm tất cả những gì để lấy lại sự tin tưởng của bố, để được gần gũi với bố hơn”.
Và Vasily Stalin đã không phụ lòng tin cậy của bố. Sau khi tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân, Vasily vào học tại trường Không quân Kacha ở Crưm, tốt nghiệp xong anh phục vụ trong lực lượng không quân. Trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Vasily Stalin đã dũng cảm tham gia 26 trận không chiến và bắn rơi 2 máy bay địch, được tặng thưởng huân chương Suvorov hạng nhì, huân chương Cờ Đỏ và huân chương Aleksandr Nevsky. Sau chiến tranh, Vasily Stalin có thời kỳ là Tư lệnh Lực lượng Không quân phòng thủ Moskva. Vasily Stalin mất năm 1962, khi mới 41 tuổi.