Ấn tượng đầu tiên về nơi ấy là lúc tôi 7 tuổi, trong chuyến đi cùng ba mẹ đến thăm mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Trên đường về, khi xe chạy qua cầu Bến Thủy, ba tôi bảo: “Đến xứ Nghệ quê mình rồi con gái ạ”. Nhìn ra ô cửa kính, hình ảnh một ngôi trường to lớn gấp nhiều lần so với trường làng khiến tôi đặc biệt ấn tượng. Thấy tôi trầm trồ, ba tôi mỉm cười: “Con gái ba gắng học giỏi, sau này sẽ được học ở những ngôi trường to đẹp như thế”. Rồi tôi đem câu chuyện về ngôi trường to lớn kể với lũ bạn trong làng, rằng trường được xây cao chót vót, cổng trường phải to gấp ba cổng trường mình, con đường phía trước trường trải nhựa đi êm ru chứ không lồi lõm cát sỏi như đường ở quê. Lũ bạn ngồi im nghe tôi kể, đứa nào cũng há hốc mồm ngạc nhiên và đầy ghen tỵ. Còn tôi thì rất khoái chí và thích thú, thầm ước lại được có dịp ngắm trường, ngắm phố phường lần nữa. Sau này lớn lên, vì sự lựa chọn ngành học nên tôi không thi vào ngôi trường ấy. Cũng bẵng đi gần 20 năm, giờ đây tôi mới trở lại nơi này. Mọi thứ đã đổi thay khá nhiều, phố xá tấp nập hơn, ngôi trường được xây mới khang trang hơn, nhưng đâu đó trên phiến đá ở mép tường vẫn phủ dày rêu phong như ghi dấu những

Một buổi chiều tôi hẹn gặp PGS. TS. NGƯT Nguyễn Công Khanh, trời thành Vinh dịu nhẹ, nắng nhạt màu, gió hiu hiu thổi, lá vàng rơi trên phố như tiết mùa thu. Ồ cũng thú vị thật, cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy, tôi muốn nghe những lời tâm sự của một bậc tiền bối, một người thầy về sự đổi thay theo thời gian của ngôi trường…

Nhà giáo Nguyễn Công Khanh nguyên là Trưởng khoa Lịch sử của Trường Đại học Vinh và là giảng viên của trường từ năm 1973 cho đến nay. Người thầy giáo gốc Quảng Bình ấy có duyên nợ với xứ Nghệ quá nhiều, nên suốt cả cuộc đời, thầy gắn bó với nơi đây như một phần máu thịt. Ngôi nhà của ông giáo nằm cuối con ngõ nhỏ gần trường đại học, thầy mở cửa chào đón tôi bằng một nụ cười thân thiện và rất dễ gần. Biết tôi đến để nghe thầy trải lòng tâm sự về miền ký ức xưa với ngôi trường đã gắn bó mấy mươi năm, thầy vui lắm, ánh mắt tràn đầy niềm tự hào và kiêu hãnh. Ngồi trước mái hiên có vòm che nhỏ, người thầy giáo 65 tuổi ấy nhấp ngụm trà thơm mùi hương đồng nội rồi chậm rãi kể cho tôi nghe về năm tháng một thời…

hoài niệm của thời gian. 

Hồi ấy, trường có tên là Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1969, thầy mang theo đèn sách từ Quảng Bình ra Nghệ An dự kỳ thi tuyển và đỗ vào trường. Đến năm 1973, sau khi tốt nghiệp, thầy ở lại trường làm giảng viên cho đến bây giờ. Thầy kể cái thời mà hòa bình chưa lập lại, Bắc Nam chưa thống nhất một nhà, trường phải sơ tán rất nhiều nơi, từ Vinh ra Nghi Lộc, chuyển lên Thanh Chương, rồi lại ngược ra Thanh Hóa, về Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, rồi sau này mới trở lại Thành phố Vinh.

 

Trường Vinh là trường đại học có thời gian sơ tán lâu nhất, ở nhiều địa điểm nhất và có cơ sở vật chất bị tàn phá hoàn toàn. Vượt lên bom đạn của kẻ thù, vượt qua bao khó khăn chồng chất, thầy trò trường Vinh bắt đầu xây dựng lại cơ sở vật chất mới từ khu đất hoang tàn. Thầy kể hồi đó, trường chỉ có những lớp học được dựng bằng tre, nứa, xung quanh trường còn nhiều mảnh vỡ bom đạn, thiếu thốn đủ bề nhưng tinh thần ham học của những người con Nghệ - Tĩnh không lúc nào giảm sút. Mặc cho tiếng tàu bay Mỹ gầm rú trên bầu trời, trong những mái nhà tranh ấy, thầy trò vẫn say sưa với chủ nghĩa Mác Lê-nin, với học thuyết của những nhà chính trị gia vĩ đại. 

 

Trải qua từng ấy thời gian, giờ đây đất nước đã phát triển hơn nhiều, cuộc sống thị thành tấp nập hơn xưa, sinh viên trường Vinh được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, không còn thiếu thốn như trước nữa, chỉ có những ông giáo già như thầy vẫn ngày ngày lặng lẽ lên bục giảng, trọn tình yêu, tâm huyết với nghề. Nói đoạn, thầy quay sang nhìn tôi hớn hở khoe: “Ngày trước, thầy còn sáng tác lời cho bài hát viết về trường Vinh đấy nhé”. Rồi như mạch cảm xúc tuôn trào, thầy cất giọng hát cho tôi nghe, đôi bàn chân giẫm nhịp, bàn tay đung đưa theo giai điệu. “Ôi sướng vui ngập tràn, như sóng biển dạt dào, thỏa nỗi khát khao…

 

Vì trường Vinh, một niềm tin ghi tạc, tung mình vươn cao, giữa muôn vạn vì sao… Vì quê hương, vì đàn em vẫy gọi, yêu người bao nhiêu, ta yêu nghề bấy nhiêu”... Tôi thấy trong đôi mắt lấp lánh niềm tự hào của thầy như hiện về cả những năm tháng lịch sử, về chặng đường gian nan và vất vả của sự nghiệp trồng người. Giọng hát trầm ấm hòa vào tiếng gió chiều xào xạc trên mái hiên, lá vàng của hàng cây trước ngõ nhỏ cuốn theo gió rồi rơi nhẹ trên nền gạch. Có lẽ suốt cuộc đời dành trọn cho nghề dạy học, khi ở tuổi xế chiều, thầy chỉ cần chốn an yên và bình dị như thế này để ngẫm nghĩ về hồi ức thuở trước. Thầy bảo tuổi thanh xuân đã dành cho xứ Nghệ, với Trường ĐH Vinh, bây giờ, khi mái tóc đã điểm bạc, phố xưa cũng đổi màu theo bốn mùa mưa nắng nhưng ký ức và tình cảm của thầy với nơi đây vẫn vẹn nguyên. 

 

Tạm biệt người thầy giáo và con ngõ nhỏ, tôi dắt xe ra cổng trường đại học, lững thững đi bộ trên con đường rộng lớn và im mát. Đúng tầm giờ tan trường nên các cô, cậu sinh viên từ phía trong nhà xe đổ ra phố mỗi lúc một đông hơn, những tà áo dài trắng nhẹ bay dưới nắng chiều, thấp thoáng nụ cười e ấp, ngại ngùng của tuổi yêu. Hình ảnh đó thật đẹp! Nó khiến tôi cuộn trào da diết nhớ những năm tháng sinh viên. Có lẽ bên cạnh ký ức về chuyến xe ngang qua đây cùng ba mẹ ngày trước, hình ảnh đó là lý do vì sao tôi thấy con phố này thân thương và gần gũi đến vậy. Không xô bồ, bon chen như phố xá trước ga tàu, bến xe, cũng chẳng buồn hiu hắt như những con đường nằm cạnh mái chùa nghiêng cổ kính, con phố này mang chút gì nhã nhặn của học đường, đủ ồn ào, đủ sâu lắng, để bất cứ ai qua đây cũng đều thấy yêu, thấy quý. 

 

Con phố cũng là đoạn đường cuối cùng của xứ Nghệ để qua cầu Bến Thủy nối dài sang đất Hà Tĩnh. Đoạn đường đọng lại những gì thân thương nhất, là trường Vinh trầm mặc, là sự trang nghiêm của Tượng đài công nông Xô viết Trường Thi – Bến Thủy – nơi đánh dấu sự kiện mở đầu cho Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Những dấu ấn thời gian và lịch sử ấy nằm cuối miền đất Nghệ trên con đường thiên lý Bắc Nam, đó là dư âm đọng lại với mỗi vị khách lữ hành, để khi bước chân trên nhịp cầu sang miền đất mới, ngắm nhìn dòng Lam chảy chậm, sẽ thổn thức niềm yêu thương khi nghe vọng về câu đò đưa ấm áp: “Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ… ai đi ra nơi đây, xin chân dừng xứ Nghệ”…