Thông thường, nguyên nhân đầu tiên bạn nên nghĩ tới nếu "càng bật quạt càng nóng", đó là khi chúng ta sử dụng quạt điện trong phòng kín khiến không khí lưu thông không được tốt. Quạt điện thổi không khí nóng đi nhưng không thể thoát ra ngoài khiến độ ẩm trong phòng dần mất đi, khiến cho cảm giác oi bức không những không giảm đi mà còn gia tăng, làm cho cơ thể trở nên mất nước và uể oải hơn.

Tuy nhiên khi nhiệt độ ngoài trời lên đến đỉnh điểm, kết hợp cùng hiệu ứng Đảo nhiệt đô thị, thì không khí bên ngoài cũng chẳng khác gì một căn phòng kín, luôn rất ngột ngạt và oi bức. Lúc bấy giờ ngay cả khi có mở cửa sổ, cửa chính để không khí lưu thông thì bạn vẫn có cảm giác vô cùng khó chịu và mệt mỏi.

Ngoài ra, nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng bật quạt điện càng mạnh thì sẽ càng mát. Tuy nhiên điều này là không hoàn toàn đúng.

Khi chúng ta bật quạt ở tốc độ cao, luồng gió quạt tạo ra mạnh và nhanh hơn. Vào trời nóng, không khí từ quạt bị đẩy đi tạo ra khoảng trống phía trước quạt và nhanh chóng bị lấp đầy trở lại bởi lượng không khí nóng trong phòng. Bật quạt càng mạnh và liên tục làm cho không khí nóng phà vào cơ thể, làm da bị khô nhanh do mất nước, tăng cảm giác oi bức và khó chịu.

Đặt quạt tại vị trí không thích hợp như ở góc tường, vị trí nhiều vật cản gió, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "bật quạt như không" xảy ra tại nhiều gia đình.

Vậy, phải làm sao để khắc phục tình trạng trên?

 

Để hạn chế tối đa tình trạng "quạt càng bật càng nóng", bạn nên tìm cách để tăng độ ẩm trong căn phòng, dù như vậy sẽ gây ảnh hưởng phần nào tới các thiết bị điện tử trong căn phòng. Những cách như đặt xô nước cạnh quạt điện, hay thậm chí treo bịch nước đá đằng sau lồng quạt,... là giải pháp hữu hiệu cho những ngày nắng nóng đỉnh điểm, có thể giúp giảm nhiệt độ phòng tới vài độ C mà không cần tới điều hòa.

Sử dụng chậu nước để giúp cơ thể hạ nhiệt, lại tăng độ ẩm căn phòng cũng là một cách hiệu quả để "đi trốn" cái nóng đỉnh điểm.

Bạn cũng chỉ nên bật quạt ở tốc độ nhẹ, cho quạt quay đều nhằm tạo luồng gió luân chuyển làm thông thoáng và dịu không khí, chứ không nên để quạt hướng trực tiếp vào người với tốc độ mạnh. Đồng thời không nên bật quạt chạy liên tục mà nên cho quạt “nghỉ giải lao” từ 10 – 20 phút để vừa hạn chế tình trạng giảm độ ẩm không khí trong phòng, hạn chế sự khô da, vừa duy trì tuổi thọ quạt.

 

Sử dụng quạt kết hợp chai đựng nước, đựng đá sẽ giúp giải nhiệt hiệu quả, nhưng lại khiến thiết bị điện dễ hỏng hóc.

Ngoài ra, hãy chọn cho quạt một vị trí thông thoáng trong căn phòng với ít vật cản gió. Đặt quạt hướng ra các ô cửa mở, cửa thông gió, giếng trời... để không khí trong phòng lưu thông hiệu quả; không đặt quạt ở đầu gió vì điều này sẽ khiến quạt đẩy không khí nóng từ bên ngoài vào khi trời đang oi bức.

Tất nhiên là dù có tìm cách tối ưu đến đâu thì chiếc quạt điện vẫn chỉ đóng vai trò là giải pháp thay thế nếu như bạn không thể hoặc chưa lắp máy điều hòa nhiệt độ cho căn phòng. Xin chia sẻ những mẹo vô cùng thú vị giúp bạn "sống sót" trong ngày nóng đỉnh điểm.